Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tài sản và tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được cấp giấy đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh trên trị trường. Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp có thể hiểu là tư cách pháp lý của doanh nghiệp khi tham gia vào một mối quan hệ pháp luật nhất định. Vậy tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bao gồm những loại nào?Có tính chất, đặc điểm gì?
Điều 41 Nghị định 01/2021/ND-CP quy định như sau:
Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
1. Tạm ngừng kinh doanh
– Khái niệm: là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp.
– Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh.
– Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
2. Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký
– Khái niệm: là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mà qua công tác kiểm tra, xác minh của Cơ quan quản lý thuế và các đơn vị có liên quan không tìm thấy doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký. Thông tin về doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký do Cơ quan quản lý thuế cung cấp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Việc thay đổi, cập nhật, thời điểm chuyển tình trạng pháp lý và kết thúc tình trạng pháp lý do Cơ quan quản lý thuế quyết định.
– Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp, cập nhật tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” của doanh nghiệp tới Cơ quan đăng ký kinh doanh qua Hệ thống thông tin đăng ký thuế kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện ghi nhận, cập nhật tình trạng pháp lý do Cơ quan quản lý thuế cung cấp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Bị thu hồi GCNĐKDN do cưỡng chế về quản lý thuế
– Khái niệm: là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
– Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế” là ngày Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế” là ngày Phòng Đăng ký kinh doanh khôi phục lại tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở văn bản đề nghị của Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
4. “Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập”
– Khái niệm: là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có nghị quyết, quyết định giải thể theo khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi GCNĐKDN, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định của Tòa án theo khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập và đang làm thủ tục quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập.
– Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập được cấp đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở chia, hợp nhất, sáp nhập công ty.
5. Đang làm thủ tục phá sản
– Khái niệm: là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản.
– Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đang làm thủ tục phá sản” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
6. Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại
– Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp.
Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
7. Đang hoạt động
– Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không thuộc tình trạng pháp lý quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.