Xin hỏi Luật sư: Anh A là nhân viên lâu năm của công ty, hiện tại đang giữ chức phó Trưởng phòng Marketing. Do nhiều nguồn tin có được, anh A được cho là đã tiết lộ bí mật kinh doanh cho công ty đối thủ. Hiện ban lãnh đạo công ty đang chất vấn và điều tra về hành vi của anh A. Xin hỏi nếu xác định anh A có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty thì có thể yêu cầu anh A bồi thường thiệt hại được không? Xin cảm ơn!
Luật sư trả lời:
1. Các căn cứ pháp lý
– Bộ luật Lao động 2019;
– Luật Cạnh tranh 2018;
– Nghị định 75/2019/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh;
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
– Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động.
2. Tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi bị cấm
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, cấm các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:
– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.
Như vậy, theo quy định trên, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi bị cấm. Do đó, trường hợp doanh nghiệp có thỏa thuận với người lao động về việc không được tiết lộ bí mật kinh doanh mà người lao động vi phạm thì sẽ bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó thì sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
3. Xử phạt đối với hành vi tiết lộ bi mật kinh doanh của người lao động
Thứ nhất: Điều 125 Bộ luật Lao động 2019. áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
Như vậy, theo quy định định trên, doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật người lao động ở mức cao nhất là sa thải nếu người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh
Thứ hai: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh
Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Đồng thời, tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa quy định tại Điều 16 Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh mà chưa được sự cho phép sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng.
Thứ ba: Bồi thường thiệt hại
Khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về xử lý bồi thường thiệt hại khi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:
“Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.”
Theo đó, người lao động có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng lao động và cả thời gian sau khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn 2 bên thỏa thuận. Nếu vi phạm, tùy từng trường hợp mà có phương thức xử lý tương ứng.
Điều kiện được quy trách nhiệm bồi thường thệt hại cho người lao động lao động là chỉ khi người sử dụng lao động phát hiện được hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người lao động. Do đó, nếu hành vi vi phạm của người lao động không bị phát hiện thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không được đặt ra.
*Đối với trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH trường hợp này sẽ xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019. Khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn tại Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn quy định về xử lý bồi thường thiệt hại tại Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 72 Nghị định này, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại như sau:
– Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm: các thành phần quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động (tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên; Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật), thẩm định viên về giá (nếu có); bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;
– Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản này phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;
– Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản này. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản này không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp. Có thể thấy, quy định pháp luật về quyết định xử lý bồi thường thiệt hại có nhiều điểm tương đồng với quyết định xử lý kỷ luật lao động.
*Đối với trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động
Pháp luật lao động quy định xử lý bồi thường thiệt hại đối với trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ:
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
– Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
– Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
– Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Pháp luật lao động hiện hành không quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đối với người sử dụng lao động. Do đó, việc xác định mức bồi thường là bao nhiêu là phù hợp do các bên thỏa thuận.
Xem thêm: Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý