CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẤT TRỒNG CÂY LÂU NĂM BỊ THU HỒI
Đất trồng cây lâu năm hết hạn có thể bị thu hồi nếu thuộc các trường hợp sau:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
- Thu hồi để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Đất tròng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục)
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Như vậy, nếu nằm trong những trường hợp được nêu trên thì đất trồng cây lâu năm có thể bị thu hồi. Trong trường hợp người sử dụng đất muốn tiếp tục sử dụng nhưng lo ngại về khả năng bị thu hồi thì phải xem bản đồ quy hoạch ở địa phương mình để xác định thửa đất có nằm trong diện bị thu hồi hay không. Quy định bồi thường được cụ thể hóa trong Luật đất đai 2013 và các văn bản pháp luật khác về đất đai.
Ngoài ra, đất trồng cây lâu năm hết hạn nhưng không được người sử dụng đất gia hạn thời gian sử dụng đấy (trong trường hợp cần phải gia hạn) thì cũng sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Các trường hợp cần gia hạn?
Các trường hợp cần phải làm thủ tục gia hạn đất là:
- Tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trường hợp không cần gia hạn?
Khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định rằng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
- Khoản 1 Điều 126 Luật đất đai 2013 quy định thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.
- Khoản 3 Điều 210 Luật đất đai 2013 có nêu rõ hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này. Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 2013 đối với trường hợp hết hạn vào ngày 15 tháng 10 năm 2013 theo quy định của Luật đất đai năm 2003; tính từ ngày hết thời hạn giao đất đối với trường hợp hết hạn sau ngày 15 tháng 10 năm 2013.
Như vậy, đối với đất trồng cây lâu năm trong các trường hợp nói trên khi hết hạn sử dụng thì người sử dụng đất không cần phải thực hiện thủ tục gia hạn mà vẫn có thể tiếp tục sử dụng với thời hạn được quy định trong Luật đất đai. Tuy nhiên, người sử dụng đất vẫn phải làm thủ tục xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ – CP hướng dẫn về thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất.
Trình tự, thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất trồng cây lâu năm (đối với trường hợp không cần gia hạn)
Khoản 3 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
- Người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất.
- UBND cấp xã nơi có đất kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
- Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ; xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trình tự, thủ tục gia hạn đất trồng cây lâu năm (đối với các trường hợp phải gia hạn)
Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất như sau:
- Chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
+) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
+) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Nộp hồ sơ tới Cơ quan tài nguyên môi trường.
- Cơ quan tài nguyên môi trường sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ.
- Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ chuyển đến Văn phòng đăn ký đất đai, đồng thời trình UBND cùng cấp để quyết định gia hạn quyền sử dụng đất theo yêu cầu của người sử dụng đất.
- Nếu hồ sơ không hợp lệ sẽ yêu cầu người sử dụng đất bổ sung hồ sơ cho đến khi đầy đủ.
- Người gia hạn thời gian sử dụng đất sẽ phải đóng lệ phí gia hạn. Sau đó nộp chứng từ thể hiện việc đã đóng xong nghĩa vụ tài chính cho Cơ quan tài nguyên môi trường.
- Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận gia hạn thời gian sử dụng đất vào Giấy chứng nhận. Đồng thời chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
- Người gia hạn thời gian sử dụng đất sẽ nhận Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã.
Lưu ý:
- Thủ tục gia hạn phải thực hiên trước khi đất trồng cây lâu năm hết hạn tối thiểu 6 tháng.
- Theo quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì toàn bộ thời gian gia hạn thời hạn sử dụng đất sẽ không quá 15 ngày.
Trên đây là tư vấn của đội ngũ Luật sư tư vấn pháp lý về vấn đề đất trồng cây lâu năm có bị thu hồi hay không ? Các trường hợp cần gia hạn thời gian sử dụng đất và trình tự, thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất trồng cây lâu năm. Nếu còn vướng mắc hay cần tư vấn các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp lý để được hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý chi tiết nhất.