Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; và Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định.
Trong đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, thời hiệu giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
– Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
– Trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì các tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Đồng nghĩa, người có quyền khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân bất cứ lúc nào kể từ ngày phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất để được giải quyết theo thẩm quyền.