Căn cứ Điều 14, Hiến pháp 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Tuy nhiên quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Đây có thể là một trong những lý do khiến các quyền của người đồng tính bị hạn chế được thực thi trong thực tiễn do các yếu tố đạo đức xã hội.
Ngày 24 tháng 11 năm 2015, quyền chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam sau khi Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép chuyển đổi giới tính và thay đổi nhân thân, hộ tịch sau chuyển đổi được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên theo quy định pháp luật này cùng với các quy định tại Luật bình đẳng giới 2006 vẫn chỉ thừa nhận tại Việt Nam chỉ có hai giới tính là Nam và Nữ.
Vào tháng 8 năm 2022, Bộ Y tế chính thức áp dụng Tiêu chuẩn sức khỏe LGBT toàn cầu, khẳng định rằng đồng giới và chuyển giới không phải là tình trạng sức khỏe tâm thần. Bộ cũng thiết lập các hướng dẫn chống lại các thủ tục “chữa trị” đồng tính luyến ái. Mặc dù đã có những bước công nhận đáng kể tuy nhiên thực tại pháp luật chưa có sự ghi nhận về việc chống phân biệt đối xử, kỳ thị dựa vào bản dạng giới và xu hướng tính dục, chống phân biệt đối xử với người đồng tính mà chỉ mang tính khuyến nghị và đang từng bước luật pháp hóa các quy định để công nhận, bảo vệ và chống phân biệt đối xử với người đồng tính theo xu hướng của thế giới cũng như xã hội mới.
Hiện nay các hành vi kỳ thị phân biệt với người đồng tính chưa vẫn chưa được quy định rõ dàng trong các văn bản pháp luật. Nhưng nếu hành vi kỳ thị phân biệt đối xử người đồng tính mà dẫn đến mức độ rất nghiêm trọng, có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đồng tính đó thì có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sư về tội cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.