Bài viết dưới đây của VPLS Cộng Đồng chúng tôi đã biên soạn và cung cấp cho bạn đọc thêm kiến thức về quy định của pháp luật về đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
-
Khái niệm về hộ kinh doanh
Pháp luật không đưa những định nghĩa cụ thể như thê nào là HKD mà chỉ quy định HKD qua các đặc điểm nhận biết. Các đặc điểm này được thể hiện cụ thể qua các điều khoản cụ thể trong từng văn bản pháp luậ từng thời kỳ. Các đặc điểm nhận dạng HKD có thể kể tới như:
Thứ nhất, về tên gọi: Trước đây theo quy định tại Điều 24 Nghị định 109/2004/NĐ-CP HKD với tên gọi là HKD cá thể, cho tới khi ra đời Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật doanh nghiệp 2014, Luật doanh nghiệp 2020, tại văn bản hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp của các luật này cho tới nay HKD cá thể thống nhất một cách gọi duy nhất là HKD, như vậy từ HKD cá thể được chính thức gọi bằng cái tên khác là HKD từ năm 2005. Có thể thấy hai cách đặt tên trên thì việc bỏ đi hai từ “cá thể” là sự cần thiết bởi bản chất khi gọi tên “HKD” và “HKD cá thể” đều như nhau.
Thứ hai, về hình thức pháp lý: Hình thức pháp lý của HKD qua các thời kỳ được quy định tương đối giống nhau. Vào năm 2005 HKD cá thể hay HKD như hiện nay thì hình thức pháp lý thể hiện dưới ba hình thức chính đó là: Do cá nhân làm chủ, do hộ gia đình (HGĐ) làm chủ. Theo đó thì chủ thể thành lập HKD sẽ bao gồm cá nhân và hộ gia đình. Như vậy đối với chủ thể là “một nhóm người” không được đề quy định tại thời điểm này. Hình thức chủ thể thành lập là “một nhóm người” chỉ xuất hiện từ năm 2005 khi Luật doanh nghiệp 2005 ra đời với văn bản hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp là Nghị định 43/2010/NĐ-CP. Tại khoản 1 Điều 49 Nghị định này có quy định “HKD do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một gia điình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”. Như vậy theo quy định trên hình thức pháp lý do “một nhóm người” làm chủ sở hữu chính thức được công nhận là một hình thức pháp lý trong HKD. Hình thức pháp lý này vẫn được quy định trong văn bản hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Hình thức sở hữu HKD là “một nhóm người” vẫn tồn tại cho tới trước khi Nghị định 01/2021/NĐ-CP ra đời. Nghị định này đã loại bỏ hình thức pháp lý là “một nhóm người” đối với HKD, chỉ quy định hai hình thức pháp lý đối với HKD là “cá nhân” và “HGĐ”. Như vậy sự thay đổi này hiện nay giống như quy định trước đây tại Nghị định 109/2004/NĐ-CP cũng chỉ có hai hình thức pháp lý là “cá nhân” và “HGĐ”.
Thứ ba, về điều kiện của chủ thể thành lập HKD. Theo quy định hiện nay chủ thể thành lập HKD là cá nhân, đối với HKD là HGĐ thì các thành viên trong gia đình cử đại diện đăng ký HKD, và chủ thể đại diện đăng ký kinh doanh đồng thời là chủ HKD. Như vậy pháp luật về HKD không còn quy định cụ thể về điều kiện cụ thể để thành lập HKD so với quy định trước đây tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định cụ thể như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” Như vậy theo quy định trước đây tại Nghị định 78/2015 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thì điều kiện đối với cá nhân thành lập HKD phải đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nhưng với quy định pháp luật về HKD hiện nay thì “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”.
Thứ tư, về đăng ký kinh doanh. Việc đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh không ảnh hưởng tới tên gọi của HKD bởi thực tế HKD theo yêu cầu của pháp luật phải đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh thì chủ thể đó vẫn là HKD, trong trường hợp này HKD không tiến hành đăng ký kinh doanh là HKD không hợp pháp. Ngoài ra trong một sô trường hợp HKD theo quy định của pháp luật không cần đăng ký kinh doanh nhưng vẫn được coi là HKD như: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương” Như vậy các trường hợp HKD theo quy định của pháp luật không cần đăng ký kinh doanh nhưng vẫn được coi là HKD hợp pháp.
Như vậy thay vì định nghĩa một cách trực tiếp về hộ kinh doanh, pháp luật đã nêu ra những đặc điểm của nó để định nghĩa thế nào là hộ kinh doanh.
-
Đặc điểm của hộ kinh doanh
Trải qua quá trình phát triển lâu dài HKD luôn mang trong mình những đặc điểm khác biệt so với các chủ thể kinh doanh khác về các yếu tố cơ bản như: Loại hình HKD, chủ sở hữu đối với HKD, tư cách pháp nhân, tính chịu trách nhiệm, khả năng huy động vốn, quy mô… Dưới đây là một số phân tích về những đặc điểm cơ bản của HKD.
Thứ nhất, hình thức pháp lý về HKD:
Là một loại hình chủ thể kinh doanh, nhưng trên thực tế hộ kinh doanh không được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp. Qua các luật doanh nghiệp từng thời kỳ 1999, 2005, 2014, 2020 thì HKD vẫn đang nằm trong quy định điều chỉnh của văn bản do Chính phủ ban hành đó là các Nghị định. Nguyên nhân của thực trạng này có lẽ xuất phát từ đặc điểm “quy mô” của hộ kinh doanh. Từ tiêu chí này có thể thấy một điều rõ ràng rằng loại hình chủ thể kinh doanh là HKD có quy mô nhỏ hơn nhiều so với doanh nghiệp, vì vậy việc sắp xếp chúng với một vị trí bằng nhau trong luật là một sự khó khăn. Xuất phát từ đặc điểm “quy mô” nhỏ nên pháp luật cũng trao cho chủ thể này những quyền hạn, nghĩa vụ khác nhiều so với các chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp như: Không quy định con dấu, phạm vi tên hộ kinh doanh được bảo hộ trong phạm vi huyện – nhỏ hơn rất nhiều so với các loại hình chủ thể kinh là doanh nghiệp (công ty TNHH, CTCT, CTHD hay DNTN), số lượng lao động, chủ sở hữu, trụ sở kinh doanh… Như vậy có thể thấy rằng điểm nổi bật của chủ thể kinh doanh là hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nhỏ và không phải là doanh nghiệp.
Điều kiện đối với chủ sở hữu hộ kinh doanh.
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP HKD do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Như vậy một nhóm người đây là một điểm khác so với khoản 1 điều 66 Nghị định 78 của Luật doanh nghiệp 2014 quy định về đăng ký nghiệp quy định:
“Hộ kinh doanh do cá nhân hoặc một nhóm người là các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ…”
Như vậy theo quy định trên chủ sở hữu hộ kinh doanh bao gồm các đối tượng: Cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình. Nhưng theo quy định mới hiện nay chủ sở hữu HKD là “một nhóm người” đã không còn được quy định là chủ sở hữu HKD.
Đi theo đó là phải đáp ứng các điều kiện của chủ sở hữu đó là:
Đối với cá nhân đăng ký thành lập phải là người thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP HKD.
Là công dân Việt Nam, điều kiện này cho thấy rằng mặc dù các chủ thể khác là người nước ngoài mặc dù không được đăng ký thành lập làm chủ hộ kinh doanh nhưng vẫn được tham gia hoạt động kinh doanh với tư cách thành viên.
Hộ gia đình, tên gọi này so với hộ kinh doanh có thể dẫn tới hiểu nhầm là hộ gia đình và hộ kinh doanh là một, tuy nhiên không phải như vậy, hộ gia đình chỉ là một đối tượng trong chủ thể kinh doanh là hộ kinh doanh. Hộ gia đình hay gia đình theo quy định tại khoản 2 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình là: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”.
Khác với các loại hình chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp nói chung, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, mặc dù pháp luật không có quy định cụ thể như đối với doanh nghiệp tư nhân về việc đại diện, nhân danh hộ kinh doanh tham gia các quan hệ pháp luật, nhưng tuy nhiên xét về việc áp dụng tương tự pháp luật, hình thức, hay các đặc điểm khác của hộ kinh doanh thì có thể hiểu rằng khi có tranh chấp xảy ra thì chủ hộ kinh doanh sẽ phải đại diện, nhân danh hộ kinh doanh để giải quyết tranh chấp với tư cách là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cũng như khi có phán quyết của cơ quan tài phán thì người chịu trách nhiệm sẽ là chủ hộ kinh doanh.
Thứ tư, trách nhiệm của HKD đối với nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Tương tự với trách nhiệm của chủ doanh doanh nghiệp tư nhân, hay các thành viên của CTHD thì chủ hộ kinh doanh cũng phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ của hộ kinh doanh trong trường hợp cần thiết, bất kỳ tài sản đó dùng trong hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh hay thuộc sở hữu riêng của cá nhân là chủ sở hữu hộ kinh doanh, chế độ trách nhiệm này tương tự như chế độ chịu trách nhiệm của chủ sở hữu của DNTN. Trong trường hợp chủ sở hữu hộ kinh doanh là một nhóm người hay hộ gia đình thì lúc này chế độ chịu trách nhiệm sẽ không chỉ thuộc về một cá nhân thành lập mà được thực hiện liên đới giữa các thành viên trong hộ kinh doanh, chế độ trách nhiệm này tương tự với chế độ trách nhiệm của các thành viên CTHD.
Thực tế cho thấy khả năng huy động vốn của hộ kinh doanh khá hạn chế, hầu như nguồn vốn kinh doanh của hộ kinh doanh xuất phát từ vốn của các chủ sở hữu đóng góp. Từ việc thành lập, duy trì hoạt động, mở rộng quy mô hộ kinh doanh phần lớn sử dụng vốn do chủ sở hữu đầu tư kinh doanh. Mặc dù là chủ thể tiến hành các hoạt động kinh doanh như các loại hình doanh nghiệp nói chung nhưng pháp luật không quy định về việc huy động vốn thông qua việc phát hành chứng khoán đối với hộ kinh doanh. Sở dĩ xét trên các điều kiện cho phép phát hành các loại chứng khoán thì rõ ràng hộ kinh doanh đương nhiên không đủ khả năng và điều kiện để phát hành chứng khoán. Có lẽ sự hạn chế này cũng xuất phát từ đặc điểm quy mô của hộ kinh doanh.
Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Căn cứ theo Điều 94 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh như sau:
Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, hộ kinh doanh có thể gửi văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
Việc xử lý đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp không đúng hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp không đúng trình tự, thủ tục theo quy định, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi thông báo tới hộ kinh doanh, đồng thời thực hiện lại việc cấp theo đúng quy định về trình tự, thủ tục;
b) Trường hợp cấp đăng ký thành lập hộ kinh doanh không đúng hồ sơ theo quy định, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp không đúng hồ sơ theo quy định là không có hiệu lực, yêu cầu hộ kinh doanh hoàn chỉnh và nộp hồ sơ hợp lệ theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới;
c) Trường hợp cấp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh không đúng hồ sơ theo quy định, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở hồ sơ không đúng theo quy định là không có hiệu lực, đồng thời cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi thông báo yêu cầu hộ kinh doanh hoàn chỉnh và nộp hồ sơ hợp lệ theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới.
Việc xử lý đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là không trung thực, không chính xác được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh là không trung thực, không chính xác, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở hồ sơ đăng ký có thông tin kê khai không trung thực, không chính xác là không có hiệu lực, yêu cầu hộ kinh doanh hoàn chỉnh và nộp lại hồ sơ theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới.
Trường hợp hộ kinh doanh không hoàn chỉnh và nộp lại hồ sơ theo quy định, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định này;
b) Trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh là không trung thực, không chính xác, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở hồ sơ đăng ký có thông tin kê khai không trung thực, không chính xác là không có hiệu lực và thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo yêu cầu hộ kinh doanh hoàn chỉnh và nộp lại hồ sơ theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký, thông báo thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới.
Trường hợp hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới thì Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của các lần trước đó không còn hiệu lực.