Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì các tranh chấp đất đai bắt buộc phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, trước khi khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc khiếu nại đến chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
(1) Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
(2) Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Để Tòa án thụ lý giải quyết đối với tranh chấp đất đai phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây để nộp cho Tòa án khi khởi kiện:
– Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai;
– Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của bạn mà trong đó bao gồm diện tích bị lấn, chiếm;
– Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để chứng minh nhân thân;
– Biên bản hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân xã đã cấp;
– Các chứng cứ chứng minh diện tích đất của bị tranh chấp;
– Các giấy tờ liên quan khác.